VƯỢT QUA KHÓ KHĂN
Bác sĩ Trương Hữu Nhàn, Giám đốc bệnh viện cho biết: “Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước, trước đây là cơ sở điều trị của Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Phú, với quy mô 120 giường bệnh. Do không đủ phòng khám nên phải kê thêm giường bệnh ở hành lang, lối ra vào rất chật chội. Năm 2011, trung ương và tỉnh đầu tư xây dựng bệnh viện với quy mô 150 giường và được thực hiện trong 2 giai đoạn. Dự kiến đến năm 2014 sẽ hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào sử dụng”.
Nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, Bệnh viện Y học cổ truyền đã nâng cấp, mua sắm các trang thiết bị hiện đại. Đặc biệt, để phát huy thế mạnh y học cổ truyền, bệnh viện đã kết hợp chẩn đoán bệnh theo phương pháp đông - tây y kết hợp. Bệnh viện tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của trung ương, tỉnh và nguồn xã hội hóa trang thiết bị hỗ trợ khám chữa bệnh như: Máy phân tích huyết học tự động 18 thông số, máy sinh hóa, hệ thống X-quang cao tần kỹ thuật số, máy siêu âm điều trị kết hợp điện xung và điện phân thuốc, từ trường, điện châm, máy sắc thuốc và đóng gói tự động... Riêng năm 2013, từ nguồn ngân sách tỉnh, bệnh viện đầu tư các thiết bị hiện đại như: Máy điện xung điện, máy sóng ngắn, máy laze đoạn mạch, hệ thống kéo giãn cột sống...
Giám đốc Trương Hữu Nhàn khẳng định: “Ngoài đầu tư trang thiết bị hiện đại, bệnh viện chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, xem đây là yếu tố quyết định kết quả khám chữa bệnh”.
Hàng năm, bệnh viện khuyến khích, tạo điều kiện cho các y, bác sĩ đi học nâng cao trình độ... Trong tổng số 109 cán bộ, nhân viên có 14 cán bộ đang học liên thông đại học, trong đó có 1 bác sĩ học cao học. Năm 2012, bệnh viện có 11 bác sĩ, năm 2013 đã tăng lên 15 bác sĩ chính quy, trong đó có 4 cán bộ trên đại học. Bệnh viện đang tiếp nhận và điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh tai biến mạch máu não, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, những bệnh mãn tính về tim, thận, những trường hợp sau chấn thương cần phục hồi chức năng...
ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA BỆNH NHÂN
Những năm qua, với phương châm làm việc “Lương y như từ mẫu” bệnh viện đã thu hút đông đảo bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. Theo thống kê 11 tháng đầu năm 2013 có 80.527 lượt người đến khám, chữa bệnh, trong đó điều trị nội trú là 1.522 người, ngoại trú 469 người.
Bằng những phương pháp điều trị kết hợp với kỹ thuật y học hiện đại, Bệnh viện Y học cổ truyền đã tạo niềm tin cho bệnh nhân. Trong đó việc đầu tư máy sắc thuốc và đóng gói tự động đã nâng cao hiệu quả điều trị. Thuốc được sắc và đóng gói tự động đúng liều lượng.
Theo thống kê của bệnh viện, 11 tháng đầu năm 2013 số bệnh nhân sử dụng máy sắc thuốc tăng lên 93.428 lượt người so với năm 2012. Bệnh nhân Trần Thị Chiến ở phường Phước Bình (TX. Phước Long) đang điều trị nội trú tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh cho biết: Trước đây người nhà phải sắc thuốc rồi đem lên bệnh viện cho tôi uống. Nhà cách bệnh viện mấy chục cây số, các con bận việc nên rất bất tiện. Vì vậy, tôi đã sử dụng máy sắc thuốc của bệnh viện. Tôi chỉ bỏ ra một khoản tiền nhỏ nhưng sắc thuốc đảm bảo liều lượng, kỹ thuật. Tôi uống cũng đúng thời gian nên bệnh nhanh khỏi hơn.
Ngoài phương pháp điều trị kết hợp với kỹ thuật y học hiện đại, Bệnh viện Y học cổ truyền còn là địa chỉ tin cậy của người bệnh trên địa bàn tỉnh bởi tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân tận tình của đội ngũ y, bác sĩ. Chị Đặng Nguyễn Thanh Vinh ở ấp Phước Tân, xã Tân Phước (Đồng Phú) là người nhà của bệnh nhân Nguyễn Thị Vân, đang điều trị tai biến mạch máu não tại bệnh viện cho biết: “Trước khi vào đây tình trạng sức khỏe của mẹ tôi rất kém, chân tay không cử động được, nói không rõ, một ngày ăn chỉ được vài thìa cháo. Sau 8 ngày điều trị (vật lý trị liệu), được sự chăm sóc tận tình của bác sĩ, điều dưỡng, mẹ tôi đã có thể nói chuyện, chân tay cử động được, một bữa ăn một chén cơm”.
Y sĩ Vũ Thị Huyền Anh, người trực tiếp điều trị vật lý trị liệu phục hồi chức năng cho bệnh nhân Vân chia sẻ: “Đa số người bệnh vào đây là những người trung tuổi, ở tuổi này khi mắc các chứng bệnh họ rất tủi thân, chán nản. Vì vậy, mình phải động viên, không nên vì họ không chịu tập mà quát mắng sẽ làm tinh thần của bệnh nhân không tốt, dẫn đến việc điều trị không hiệu quả”.
Khác với bà Vân, chị Dương Thị Dung ở tổ 2, xã Thuận Phú (Đồng Phú) điều trị ngoại trú tại bệnh viện cho biết: Tôi bị thoái hóa cột sống đã nhiều năm. Mỗi lần đến châm cứu tôi thấy bác sĩ ở đây nhiệt tình, vui vẻ, nên chúng tôi yên tâm điều trị. Anh Đặng Ngọc Tĩnh, y sĩ điều trị khoa Châm cứu cho biết: Trung bình một ngày có 10 bệnh nhân đến điều trị bằng phương pháp châm cứu, chủ yếu là những bệnh nhân bị thoái hóa cột sống, huyết áp cao...
Bằng những nỗ lực, cố gắng không ngừng đổi mới và hoàn thiện mình của đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đã và đang trở thành địa chỉ tin cậy của nhân dân trên địa bàn tỉnh.