TIN TỨC BỆNH VIỆN

“Biên chế tự chủ” - lời giải cho bài toán khó về biên chế
[ Cập nhật vào ngày (05/10/2023) ]

BPO - Thực hiện tinh giản biên chế, sàng lọc chất lượng để giảm lãng phí trong chi tiêu cho nguồn nhân lực, bước đầu đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Cùng với các giải pháp song hành về đổi mới trong quản lý, tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức và phòng, chống tham nhũng, chất lượng nguồn nhân lực đã được cải thiện và nâng cao rõ rệt.


Tại phiên chất vấn của Quốc hội chiều 4-11-2022, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, từ năm 2019 đến nay (tháng 11-2022), việc tinh giản biên chế đã giúp ngân sách tiết kiệm hơn 25.600 tỷ đồng. Việc rà soát sai phạm trong tuyển dụng công chức, viên chức từ năm 2007 đến tháng 11-2022, đã phát hiện, thu hồi 1.021 quyết định sai phạm...

Tuy nhiên, số lượng biên chế đang giảm ở những khu vực đặc thù mà luôn có hướng phát triển và nhu cầu ngày càng tăng, như các ngành: y tế, giáo dục… đã trở thành bài toán khó hiện nay. Đó là thiếu nhân lực kế thừa chất lượng cao, vì chỉ còn cách thực hiện đào tạo trong đội ngũ biên chế hiện có, vừa tốn kém vừa mất thời gian, trong khi nếu có chỉ tiêu biên chế, sẽ thực hiện thu hút ngay nhân lực chất lượng cao về, vừa không mất thời gian đào tạo và cũng không lo nhân lực sau đào tạo không chịu quay về địa phương công tác. Việc cử biên chế đi đào tạo cũng làm mất nguồn nhân lực làm việc trong một thời gian, mà vẫn phải trả lương, chi phí tăng do phải hợp đồng nhân lực thay thế. Thiếu nhân lực cũng gây ách tắc trong việc triển khai các lĩnh vực chuyên môn sâu vì không thể tách ra các bộ phận nghiệp vụ chuyên biệt.

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bình Phước, toàn ngành hiện còn thiếu 1.193 biên chế. Riêng Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh là bệnh viện hạng II, với 170 giường bệnh, nhưng số lượng biên chế được giao chỉ 78 người, tương đương 0,46 biên chế/giường bệnh, không bằng một nửa định mức tối thiểu theo Thông tư số 03/2023/TT-BYT ngày 17-2-2023 của Bộ Y tế. Với số lượng biên chế được giao nêu trên, bệnh viện không thể triển khai đầy đủ các khoa, phòng theo Thông tư số 37/2011/TT-BYT ngày 26-10-2011 của Bộ Y tế và Quyết định số 1483/QĐ-UBND ngày 14-7-2015 của UBND tỉnh Bình Phước. Bệnh viện đã hợp đồng nhiều bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên… để đủ nhân lực triển khai hoạt động bệnh viện. Có những người đã hợp đồng hơn 5 năm nhưng không có biên chế để tuyển dụng, nên không được hưởng các chế độ đào tạo dài hạn, không được bổ nhiệm làm công tác quản lý mặc dù có năng lực rất tốt.

Để giải bài toán nêu trên, tại các cơ quan, đơn vị đã tự chủ chi thường xuyên, nơi Nhà nước không chi ngân sách cho biên chế, cần xem xét vấn đề “biên chế tự chủ”. “Biên chế tự chủ” được hưởng lương, phụ cấp và các chính sách, chế độ như một biên chế thông thường gồm được đào tạo, bổ nhiệm… nhưng không sử dụng nguồn chi từ ngân sách. Nhà nước cần bổ sung hình thức biên chế này cho các khu vực tự chủ về tài chính và giao các cơ quan, đơn vị đã tự chủ chi thường xuyên tự thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và tự tuyển dụng (theo khoản 1, Điều 7, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25-9-2020 của Chính phủ: đối với đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm chi thường xuyên thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng viên chức). Việc giao “biên chế tự chủ” cho các cơ quan, đơn vị đã tự chủ chi thường xuyên sẽ không làm ảnh hưởng đến mục tiêu tinh giản biên chế đang thực hiện.

“Biên chế tự chủ” - một thuật ngữ mới, nhưng nếu được vận dụng thực hiện, kỳ vọng sẽ là chìa khóa để giải bài toán bất cập về tình hình biên chế hiện nay tại các cơ quan, đơn vị đã tự chủ chi thường xuyên.




Lê Hữu Hòa Theo BPO

  In bài viết



tin mới


gogoanime

replica rolex watches demands routinely .

Bệnh viện YHTC tỉnh Bình Phước

SƠ đồ đường đi